• Đặc sản các món ăn ngon ở Thái Nguyên

    Đặc sản các món ăn ngon ở Thái Nguyên 

    Thái Nguyên không chỉ là vùng đất được du khách biết đến với nhiều danh làm thắng cảnh và di tích lịch sử, mà còn là nơi có văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo với nhiều đặc sản mang đậm tinh hoa núi rừng. Các bạn nếu có dịp du lịch Thái Nguyên, đến với vùng đất lịch sử và giàu truyền thống này đừng quên thưởng thức các món ăn ngon ở Thái Nguyên, đây cũng chính là một trong những nét văn hóa ẩm thực độc đáo mà bạn nên khám phá và để mang lại cho chuyến du lịch của bạn thêm nhiều điều thú vị

    1- Bánh chưng Bờ Đậu

    được làm từ gạo nếp đặc sản của núi rừng Định Hóa một huyện ở miền núi trung du tỉnh Thái Nguyên, thứ gạo nếp dẻo và rất thơm. Gạo nếp được chọn hết sạn, những hạt đầu đen và hạt tẻ lẫn vào, sau đó vo sạch, ngâm trong nước vài tiếng để gạo nở, để ráo nước, trộn với một chút muối và chuẩn bị gói.

    Lá dong để gói bánh là thứ lá nếp, dày, xanh mướt, bản rộng. Lá chặt từ rừng Na Rì, chợ Đồn, Bắc Kạn về rửa sạch cả hai mặt, để ráo nước, dùng khăn sạch lau khô, tước bớt cuống lá, cắt bớt ngọn lá và phần cuống lá, xếp gọn lá bên cạnh chậu gạo. Lạt buộc bánh phải là thứ lạt chẻ bằng cây giang.

    Đỗ xanh làm nhân bánh là thứ đỗ quê đều hạt, vỏ mỏng, lòng vàng. Đỗ được vỡ đôi, ngâm nước, đãi sạch vỏ trộn một ít muối. Thịt chọn gói bánh là loại thịt ba chỉ ngon từ lợn miền ngược thả rông chắc nịch, thái miếng to, ướp muối, hạt tiêu ngấm đều.


    Bánh chưng Bờ Đậu, một trong những món ngon ở Thái Nguyên (Ảnh – FB Bánh Chưng Tâm Quang)

    2- Canh gà nấu gừng


    Canh gà nấu gừng (Ảnh – Thảo Chip)

    Gà ta chặt miếng, ướp với gừng đập dập, lá gừng non thái nhỏ, mẻ, một ít rượu trắng, muối, bột ngọt. Đổ thịt gà đã ướp vào chảo gang xào chín thì cho bát nước và ít nấm hương, đậy nắp đun sôi thêm vài phút là được.

    Bát canh gà thơm lừng, hương vị đặc biệt, dễ ăn và chế biến. Đây cũng là món ăn dân dã và thường được đãi khách của người Tày.

    3- Cơm lam



    Cơm lam nướng ăn với muối vừng, món ăn phổ biến của đồng bào vùng cao (Ảnh – Fb Cơm Lam Gà Nướng)

    Món ăn khá phổ biến của đồng bào vùng cao. Đi làm nương hay vào rừng người ta đều đốt cơm lam. Gạo nếp nương ngâm kỹ, đổ vào những ống tre tươi bánh tẻ rồi nút lá dong tươi, dựng nướng trong đống lửa. Khi vỏ ống tre cháy xém có mùi thơm nếp hương tỏa lan là cơm lam đã chín. Chờ ống cơm lam bớt nóng, dùng dao sắc vót dần lớp ngoài ống tre sao cho vẫn giữ được lớp màng tre non. Cơm lam chín dẻo, thơm lừng ăn với muối lạc đảm bảo các bạn sẽ khó mà quên.

    4- Xôi ngũ sắc



    Xôi ngũ sắc (Ảnh – Tô Hưng Giang)

    Gạo nếp cái ngâm kỹ trong nước, màu vàng làm từ nghệ tươi, các màu tím đỏ làm từ lá cây cơm đỏ cơm đen, tất cả trộn vào nhau đem đồ trên chõ cho chín. Xôi ngũ sắc trông rất đẹp và hấp dẫn. Xôi này thường được người Tày vùng Định Hóa làm trong các dịp lễ tết.
    Nham

    Là đặc sản ẩm thực nổi tiếng của xã Hà Châu, Phú Bình và thường được làm vào mùa trám chín (khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch) Món nham được làm từ 14 loại thực phẩm, gia vị dân dã như: trắm đen, cá cháy hoặc cá mè trắng, củ chuối tiêu non, vừng, lạc, thịt ba chỉ, khế chua, lá gừng, lá sung, lá nhội, lá đinh lăng, cùi dừa, tương, dấm thanh…

    Cá cháy bắt từ sông, rửa sạch lọc thịt, bỏ da rồi dùng giấy bản thấm kỹ. Nếu làm nham cá sống thì thịt cá phải thái chỉ, nếu làm nham cá nướng thì cá mang nướng bằng than hoa (nướng 3 lửa, phơi 2 sương). Thịt ba chỉ thái miếng nhỏ, mỏng, nướng chín thơm. Củ chuối nạo nhỏ, vừng lạc rang thơm giã nhỏ. Khế, lá sung, lá gừng non, lá nhội, cùi dừa thái thật nhỏ. Tất cả những nguyên liệu này cùng bít quyết riêng của người Hà Châu, món nham thơm ngon béo bùi đã ra đời.

    5- Măng đắng Ngàn Me



    Măng đắng Ngàn Me một năm chỉ có bán trong 1 tháng (Ảnh – Hoa quả Huấn Điệp)

    Người dân Thái Nguyên thường gọi món măng này là măng Ngàn Me bởi nó được lấy từ rừng Ngàn Me về. Măng đắng được bày bán khá nhiều ở chợ Chùa Hang, Đồng Hỷ và dọc Quốc lộ 1B đoạn qua cầu Gia Bẩy.

    Không giống các loại măng khác, măng đắng ngàn me chỉ nhỏ cỡ bằng ngón tay người lớn. Cách chế biến đơn giản nhất là luộc măng chấm với muối ớt hoặc mắm tôm chanh. Nếu không muốn ăn luộc có thể chế biến măng thành nhiều món: xào, nấu canh… mỗi món ăn lại có một vị hấp dẫn riêng.

    6- Măng nhồi thịt



    Măng nhồi thịt (Ảnh – Truong Minh Anh)

    Món măng nhồi thịt thơm ngon cũng rất dễ chế biến. Thịt nác vai lợn băm nhỏ trộn với nâm hương, mộc nhỉ, hành hoa, muối, bột ngọt, hạt tiêu nhồi vào những ống măng nứa đã luộc xong đem hấp khoảng 30′ là chín.

    7- Rau rừng



    Ảnh – Lan Anh Ha

    Bồ khai là loại rau rừng mọc ven núi đá, món này có thể xào không hay xào với trứng gà, thịt băm, thịt bò…vẫn được coi là đặc sản thiết khách của Thái Nguyên

    Vùng rừng Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai đều có cây rau ngót rừng (có nơi gọi là rau sắng). Rau ngót rừng nấu canh có bị thơm mát, rất bùi.

    8- Bánh tro



    Bánh gio thường ăn kèm với mật mía (Ảnh – Hồng Còi)

    Bánh tro hay còn gọi là bánh gio, bánh nẳng, là thứ bánh dân dẫ mà bà con người Kinh, Tày, Sán Chay…thường làm. Gạo nếp ngâm kỹ trong nước tro đốt từ cây vừng và một số cây cỏ khác xong dùng lá chít hoặc lá dong gói thành bánh, đem luộc chín. Bánh tro ăn nguội, chấm với mật mía hay mậ tong, vị hơi nồng cho cảm giác mát dịu nơi dầu lưỡi.

    8- Bánh chưng Bờ Đậu



    Bánh chưng Bờ Đậu là đặc sản Thái Nguyên mà nếu có dịp đi du lịch Thái Nguyên các bạn không nên bỏ lỡ (Ảnh – Hoàng Ngọc Anh)


    Loại nếp làm bánh là loại nếp thơm ngon vùng Định Hóa, lá dong gói bánh lấy từ núi rừng Định Hóa, Chợ Đồn. Sự khéo léo trong việc gói, luộc bánh (nước giếng đá gan gà vùng Bờ Đậu rất trong và ngọt) đã làm cho bánh chưng Bờ Đậu có hương vị đặc biệt thơm ngon.

    9- Nem chua Đại Từ



    Nem chua Đại Từ (Ảnh – Facebook)

    Nhắc đến nem chua, nhiều người chỉ thường nghĩ đến Thanh Hóa hay nem chua làng Vẽ (Hà Nội ), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) , Đông Ba (Huế)… mà ít ai biết trên đất Thái Nguyên cũng có một vùng làm nem chua ngon không kém, đó là Đại Từ. Tuy nhiên không phải ở xã nào của Đại Từ cũng có mà nem chua chỉ có ở 3 xã: Văn Yên, Ký Phú và Yên Mỹ.

    Không giống với các loại nem chua khác có thể bóc ra là ăn được ngay, nem chua Đại Từ cần có một thao tác nhỏ nữa là nướng bằng than củi hoặc lăn qua chảo mới có thể ăn được. Với thành phần gồm có: thịt nạc mông, tỏi, rượu, hạt tiêu, thính và lá ổi, mỗi chiếc nem được gói cẩn thận bằng lá chuối và có thể được đến vài ngày.

    10- Chè Tân Cương



    Đặc sản chè Tân Cương, Thái Nguyên (Ảnh – Nguyễn Vân)

    Thái Nguyên vốn nổi tiếng là xứ chè, và trong rất nhiều các loại chè ngon ở Thái Nguyên, chè Tân Cương được xếp đầu bảng và được tôn vinh là “đệ nhất danh trà”. Đất, nước, khí hậu vùng Tân Cương cùng với những bí kíp nghề chè của người dân nơi đây đã làm ra những cánh chè móc câu Tân Cương mà cả hương, sắc, vị của nó làm đắm say bao người yêu chè

    11- Gạo bao thai Định Hóa



    Ảnh – Lan Anh

    Có thể nói, từ nhiều đời nay, bà con nông dân trên mảnh đất ATK cách mạng đã gắn bó mật thiết với cây lúa bao thai lùn. Đây là giống lúa đặc biệt, không ưa thâm canh, phụ thuộc vào ánh sáng, ít sâu bệnh, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu vùng núi cao. Giống lúa này cho năng suất cao hơn các giống lúa bao thai thông thường; có độ dẻo, thơm quyến rũ ngay cả khi đã được chế biến thành mỳ, bún, bánh phở, bánh cuốn.

    12- Miến Việt Cường

    Không biết nghề làm miến có ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ từ bao giờ, nhưng sản phẩm miến Việt Cường đã trở thành thương hiệu của tỉnh Thái Nguyên. Người Việt Cường làm miến quanh năm, nhưng vụ miến thường bắt dầu từ giữa năm cho đến gần Tết. Cũng giống như nhiều địa phương khác, người dân Việt Cường làm miến từ nguyên liệu chính là dong. Nhưng để làm ra những cân miến đặc biệt mà người tiêu dùng thưởng thức môt lần rồi nhớ mãi, ngay từ khi chọn dong người Việt Cường đã rất cầu kỳ.


    Miến dong Việt Cường, một đặc sản cũng khá nổi tiếng của Thái Nguyên (Ảnh – Phượng Poire)

    Dong phải là thứ Dong riềng tía, ngọt mát đặt mua trên những cánh rừng tận Bắc Kạn. Dong ấy đem về làm sạch sau đó dùng dao nhỏ gọt bỏ những phần hỏng, cạo vỏ rồi cho vào mài nát. Sau khi dong được làm nhuyễn, người thợ bọc vào một tấm vải màn thưa để lọc, nước lọc dong là nước mưa sạch và không có váng bẩn. Có thể dùng nước giếng nhưng phải là giếng đào chứ không dùng giếng khoan. Sau khi đã có nước dong gột qua 2 đến 3 lần người thợ sẽ pha chế thêm một phần bột gạo và một số phụ gia nữa và bắt đầu quấy bột cho thật sánh, công đoạn này đòi hỏi người làm miến phải dẻo dai và có sức khỏe vì càng lúc bột càng đặc hơn, phải quấy liên tục và đều tay thì bột không bị vón và sống.

    Miến thường được chia làm 2 loại đó là miến trắng và miến tráng mộc. Miến tráng mộc làm khó hơn, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, chính vì thế mà giá thành của loại này cũng cao hơn so với miến trắng, miến trắng chủ yếu là hàng được mọi người đặt để đem đi biếu, làm quà vì loại miến này có “hình thức” đẹp hơn.

    Sau khi bột được cho vào máy ép thành sợi miến, người thợ dàn miến ra phên và đem phơi. Độ đẹp của miến phụ thuộc nhiều vào thời tiết, ngày nắng đều và không gắt phơi miến là đẹp nhất, vì miến khô chủ yếu bằng gió và nắng nhạt, nếu nắng gắt quá sẽ khiến miến mất nhiệt nhanh dẫn đến sợi miến khi nấu bị khô và không còn màu trong nữa. Thông thường một mẻ phơi đẹp là khoảng 2 nắng, Miến sau khi phơi kỹ sẽ được gói lại thành từng “con” để nơi cao ráo tránh độ ẩm.

    13- Tương nếp Úc Kỳ



    Tương Úc Kỳ ngon nhất khi làm từ nếp Thầu Dầu (Ảnh – Fb Nếp Thầu Dầu)

    Nghề làm tương ở xã Úc Kỳ không rõ chính xác có từ bao giờ, chỉ biết từ lâu, mỗi gia đình đều có ít nhất 1 chum tương để ăn trong năm và làm quà biếu khách đến chơi. Theo thời gian, nghề làm tương nếp đã trở thành nghề truyền thống của người dân địa phương và trở thành thứ ẩm thực đặc sản của Thái Nguyên. Tương nếp ở đây được làm từ 3 nguyên liệu chính là gạo nếp, đỗ tương và muối trắng. Tuy nhiên, chỉ có tương làm bằng gạo nếp Thầu dầu mới là ngon nhất. Quy trình làm tương cũng rất công phu, đầu tiên, gạo nếp Thầu dầu được nấu thành cơm sao cho chín đều và không bị khô, sau đó trải ra nia sạch phơi, đảo đều qua 3 ngày rồi lấy lá ngái đậy lên trên để ủ, đến khi cơm lên mốc có màu vàng hoa cau là được. Đối với đỗ tương, đem rang thơm rồi xay vỡ, cho vào chum ngâm với nước muối từ 12 đến 15 ngày, đến khi nếm có vị ngọt thì cho mốc vào ủ khoảng 30 ngày là tương ngấu. Trong thời gian này, cần kiểm tra tương cẩn thận bằng việc dùng gậy tre sạch quấy đều từ 2-3 lần/ngày để cho đỗ, mốc quyện đều với nhau và dùng túi bóng bịt kín miệng chum để tương giữ được mùi thơm, không bị ruồi muỗi làm bẩn.

    Nguồn: cùng phượt
  • 0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

    ĂN PHỞ BÒ ĐÚNG CHẤT TẠI PHỞ KIỀU

    Bạn sẽ không thể cưỡng lại bát phở thơm lừng với nước dùng ngon ngọn, thịt bò tươi rói, bánh phở giòn dai. Đây là điểm đến yêu thích của những người thích phở sáng tại thái Nguyên.

    ĐỊA CHỈ

    17 Phan Đình Phùng (đường Tỉnh Uỷ)

    EMAIL

    phokieuthainguyen@mail.com

    ĐIỆN THOẠI

    01692891055

    HOTLINE

    01692891055